XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GẠO VIỆT NAM: CỐT LÕI VẪN LÀ CHẤT LƯỢNG

31/01/2021
Câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là một câu chuyện dài khi vẫn còn rất ít gạo Việt Nam được “nhớ mặt, đặt tên”.

Năm 1989 là cột mốc đáng nhớ của gạo Việt Nam khi bắt đầu hành trình “bước qua lãnh thổ” để rồi có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới và từng có thời điểm là nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới. Song, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là một câu chuyện dài, khi vẫn còn rất ít gạo Việt Nam được “nhớ mặt, đặt tên”.

Câu chuyện thương hiệu gạo Việt như trên là một thực tế. Song, hiệu ứng “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” ST24 và “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 cuối năm 2019 cũng là một cột mốc quan trọng giúp gạo Việt cất tiếng nói mạnh mẽ hơn và có sự khẳng định rõ ràng hơn về chất lượng trên thị trường gạo thế giới. Bước sang năm 2020 có thể xem là một năm đáng mừng, phát đi những tín hiệu tích cực về một bức tranh xuất khẩu tươi sáng của ngành lúa gạo nước nhà. Bộ Công Thương cho biết, trong 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng gạo đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 489USD/tấn. Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 26-8-2020, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đạt 480-490USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch cơ cấu sang các loại gạo có giá trị cao và chinh phục các thị trường khó tính. Hiệp định EVFTA cũng sẽ là đòn bẩy giúp gạo Việt rộng cửa hơn vào các thị trường châu Âu cao cấp, khởi sắc việc xuất khẩu cả về số lượng và giá trị nhờ giảm phí trung gian và miễn-giảm thuế. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ có điều kiện để tập trung vào chất lượng, đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo. 

Người dân Hà Nội lựa chọn sản phẩm gạo A AN. 

Dù mới ra mắt thị trường vào tháng 7-2019, nhưng sản phẩm Gạo A An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã xuất sắc lọt vào Top 100 sản phẩm-dịch vụ Tin và Dùng Việt Nam 2019 và năm 2020. Đây là danh hiệu uy tín, lâu năm do cộng đồng người tiêu dùng và những chuyên gia hàng đầu bình chọn, nhằm vinh danh các thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích trong mỗi năm. Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long chia sẻ: "Sau quá trình thâm nhập thị trường nước ngoài thành công, Công ty đã quay về phục vụ thị trường nội địa bằng những sản phẩm gạo sạch, đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan… Xuất phát từ tâm huyết phải mang đến cho người dùng những sản phẩm gạo không chỉ ngon mà còn phải an toàn, ngay từ năm 2016, doanh nghiệp đã thực hiện chương trình bao tiêu cánh đồng, hợp tác cùng nông dân sản xuất lúa gạo theo đơn đặt hàng. Hoạt động này nhằm bảo đảm sản lượng cũng như chất lượng, không tồn đọng dư lượng bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trên sản phẩm gạo. Theo đó, các sản phẩm gạo mang thương hiệu A An ra mắt từ giữa năm 2019 theo tiêu chí "lành gạo ngon cơm", đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt". 

Liên quan tới câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo, đại diện Tập đoàn Tân Long cho rằng, để giới thiệu các loại gạo ngon, mang thương hiệu của Việt Nam ra thế giới thì trước hết cần phải xây dựng thương hiệu gạo nội địa bài bản trước và cốt lõi vẫn là chất lượng. Phải quản lý chuỗi sản xuất từ khâu bao tiêu, đặt hàng sản xuất lúa từ nông dân, xử lý sấy, dự trữ, cơ sở chế biến chuẩn chỉnh từ xay xát đến đóng gói tiêu chuẩn gắn thương hiệu ngay tại nhà máy. Đặc biệt, tại các thị trường quốc tế mà sản phẩm gạo của Việt Nam có tín hiệu tốt, doanh nghiệp cần mạnh dạn xây dựng kênh phân phối gạo mang thương hiệu Việt Nam. 

Nguồn: Quân đội Nhân dân