Những nỗ lực cải tiến trong khâu sản xuất, xây dựng, quảng bá hình ảnh và mở rộng thị trường của ngành sản xuất lúa gạo đã giúp nâng tầm giá trị, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp đang rất nỗ lực để đưa hạt gạo Việt có một vị thế
chắc chắn hơn trên thị trường quốc tế
Nâng cao giá trị hạt gạo Việt
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong nhiều năm liền nhưng chất lượng gạo Việt lại chưa được đánh giá cao. Ở phân khúc gạo ngon - chất lượng, Việt Nam luôn đứng sau 2 nước Thái Lan và Campuchia.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức ở Manila (Philippines), lần đầu tiên hạt gạo ST25 đã vượt qua nhiều nước để nhận giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới, mang về niềm tự hào không chỉ cho Sóc Trăng - nơi sản sinh ra hạt này - mà còn cho cả ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam.
Cùng với ST25, trong những năm gần đây hạt gạo Việt đã bắt đầu cất tiếng nói trên thị trường quốc tế khi ngày càng được các nước khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đón nhận.
Cuối năm 2016, nhà sản xuất lúa gạo tư nhân Tân Long đã thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho Chính phủ Hàn Quốc, với 3.000 tấn gạo Japonica đã đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định gồm 280 chỉ tiêu.
Đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp gạo Japonica sang thị trường này, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên, mang về cho tập đoàn lợi nhuận khoảng 3 triệu đôla Mỹ. Đến năm 2018, doanh nghiệp đã vươn lên trở thành nhà cung ứng hơn 75% gạo Japonica cho thị trường Hàn Quốc.
Uy tín thương hiệu và chất lượng đã giúp hạt gạo Việt Nam được đưa vào danh sách 3 quốc gia duy nhất được xuất khẩu gạo vào Hàn Quốc trong năm 2020 theo hạn ngạch mà quốc gia này công bố.
Đưa gạo có thương hiệu đến gần người tiêu dùng
Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo), hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng gạo không có nhãn mác do chưa có nhiều thương hiệu gạo uy tín và đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, xu hướng người dùng nội địa ngày càng quan tâm hơn đến việc tiêu dùng các loại lương thực - thực phẩm an toàn và có thương hiệu.
Trước thực tế đó, bên cạnh nỗ lực chinh phục những thị trường khó tính bằng sản phẩm gạo ngon, Tập đoàn Tân Long còn hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nội địa để ngày càng nhiều người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm gạo có thương hiệu, được sản xuất và chế biến bài bản, khoa học.
3 dòng sản phẩm: Japonica, Jasmine và ST21 mang thương hiệu A An ra mắt từ giữa năm 2019 theo tiêu chí "lành gạo ngon cơm", giá bán 18.000 - 20.000 đồng/kg đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt với hơn 36.000 tấn bán ra.
Trong quý 1 và 2-2020, thời điểm bùng phát dịch COVID-19, lượng tiêu thụ của các sản phẩm này tăng đột biến khiến bộ phận đặt hàng và giao nhận luôn trong tình trạng quá tải, phải tăng ca liên tục để đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Chánh Trung - giám đốc điều hành mảng gạo của Tập đoàn Tân Long - cho biết: "Chúng tôi hướng tới mục tiêu 10% thị phần nội địa trong vòng 5 năm tới. Ước tính lượng gạo tiêu thụ bình quân đầu người 100 kg/người/năm, hơn 96 triệu dân Việt sẽ tiêu thụ hằng năm khoảng 9,6 triệu tấn gạo.
Như vậy, 10% thị trường nội địa tương đương gần 1 triệu tấn gạo - con số không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tân Long không ngừng đầu tư nghiên cứu để đưa ra thị trường thêm các sản phẩm gạo Japonica cao cấp và ST24 trong quý 2-2020.
Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm gạo ST25 để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm gạo ngon và dinh dưỡng".
Gạo A An là thương hiệu gạo sạch của Tập đoàn Tân Long
Liên kết nhà nông để sản xuất lúa gạo theo mô hình mới
Để đảm bảo nguồn cung phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, từ nhiều năm nay Tập đoàn Tân Long đã chủ động liên kết cùng nhà nông ở các vùng chuyên canh cây lúa lớn nhất nước, hỗ trợ và hướng dẫn các phương pháp canh tác cây lúa an toàn, đạt năng suất và chất lượng cao.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, thông qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang, đại diện tập đoàn và các chuyên gia nông nghiệp đã có buổi hội thảo, trao đổi với hơn 300 nông dân đến từ các tỉnh ĐBSCL về cách thức liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thông minh qua mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Qua chia sẻ của tập đoàn, những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo như Tân Long luôn có nhu cầu lượng hàng hóa đủ lớn để chế biến và xuất khẩu nên phải liên kết nhà nông để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác với từng hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ.
Vì vậy, hợp tác xã theo mô hình mới sẽ đại diện cho các hộ dân trong tổ đàm phán với doanh nghiệp về chất lượng và số lượng, giá cả ra sao, thu mua thế nào trước mỗi mua vụ.
Trên cơ sở đó, hợp tác xã sẽ bàn bạc với các thành viên lên phương án sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, như vậy vừa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cần, nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra, tránh bị thương lái ép giá.
Nông dân đối thoại cùng các chuyên gia và lãnh đạo Tân Long tại hội thảo
Trong khuôn khổ của buổi hội thảo, những thông tin về quản lý dinh dưỡng thông minh đất trồng lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, các tiêu chuẩn nhập khẩu của Hàn Quốc cũng như nhiều thị trường khó tính khác cũng được chia sẻ, bàn luận sôi nổi.
Phần lớn nông dân có mặt tại hội thảo đều ủng hộ canh tác theo phương pháp an toàn để hạt gạo làm ra đạt chuẩn chất lượng; đồng thời bày tỏ điều họ cần không chỉ là giá cả thu mua, mà cần cả sự gắn kết, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp.
Bởi trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, ngoài bất lợi về thời tiết, dịch bệnh thì người trồng lúa còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác.
Thấu hiểu tâm tư của người trồng lúa, đại diện Tập đoàn Tân Long khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng nhà nông thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để tạo nên chuỗi khép kín, đảm bảo nguyên tắc win-win cùng nhau thành công cho tất cả các bên tham gia.
Thông qua đường dây nóng 19008661 của tập đoàn, người dân có thể gọi đến để được tư vấn về kỹ thuật canh tác, thông tin thu mua lúa tươi, giải đáp thắc mắc bệnh dịch và cách thức thành lập - phát triển mô hình hợp tác xã để cung ứng lúa gạo chất lượng cao cho Tân Long xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường nội địa.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ