Nhiều năm qua, ông đã đầu tư xây dựng thương hiệu gạo chất lượng, an toàn phục vụ thị trường nội địa và tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long bén duyên với nông nghiệp bắt nguồn từ thương mại gạo
Đến với lúa gạo vì một chữ “duyên”
“Từ năm 2010, cơ duyên đưa tôi đến với nông nghiệp bắt nguồn từ thương mại gạo, và chính hoạt động kinh doanh lúa gạo đã tạo đam mê trong tôi", trích lời ông Trương Sỹ Bá.
Cuối năm 2016, Tân Long là công ty tư nhân Việt Nam thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Hợp đồng đầu tiên mang tính thăm dò thị trường chỉ ở mức 3.000 tấn gạo Japonica, giống lúa cho hạt tròn còn gọi là gạo Nhật, với giá xuất khẩu dao động từ 700-1.000 USD/tấn, cao hơn giá gạo thường của Việt Nam khoảng 200-300 USD/tấn.
Để đi vào thị trường Hàn Quốc, gạo Japonica phải đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định gồm 280 chỉ tiêu. Giải thích việc chuyển từ gạo thường sang gạo chất lượng cao của Tân Long, ông Trương Sỹ Bá chia sẻ: “Vi phạm một chỉ tiêu là bỏ lô hàng. Các công ty không làm vì họ thấy khó”.
Đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long chia sẻ, công ty bao tiêu vùng nguyên liệu ở Tri Tôn (tỉnh An Giang), hướng dẫn nông dân trồng trọt và nói không với những loại hóa chất không được sử dụng trong trồng trọt cho xuất khẩu. Đợt hàng thứ hai mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ.
Năm 2018, Tân Long trở thành nhà cung ứng hơn 75% gạo Japonica cho thị trường Hàn Quốc, đồng thời xuất khẩu gạo Japonica sang một số thị trường Đông Nam Á…
Giữa năm 2019, Tập đoàn Tân Long giới thiệu ba dòng sản phẩm gạo: Japonica, Jasmine (xuất xứ từ Philippines) và ST21 (lai tạo từ giống lúa đặc sản ST của tỉnh Sóc Trăng) ra thị trường Việt Nam với giá bán từ 18.000-20.000 đồng/kg. Công ty bao tiêu sản phẩm với nông dân tại các tỉnh miền Tây của Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long chia sẻ thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là 5 năm hướng tới là 10% thị phần nội địa.”
Việt Nam hiện tiêu thụ gạo bình quân đầu người khoảng 100 kg/người/năm, theo ước tính từ các cơ quan nhà nước. Như vậy, thị trường nội địa hơn 96 triệu dân tiêu thụ hằng năm khoảng 9,6 triệu tấn gạo, 10% thị trường nội địa tương đương gần một triệu tấn gạo.
Theo quan sát của ông Trương Sỹ Bá, thách thức lớn nhất của thị trường nội địa nằm ở hành vi tiêu dùng của khách hàng phụ thuộc vào tư vấn từ đại lý quen. Với mô hình kinh doanh năng động các đại lý thường cho người giao gạo đến tận nhà khách hàng trong thời gian rất nhanh. Do vậy, Tân Long đầu tư hệ thống đại lý trên toàn quốc để đưa gạo có thương hiệu đến người mua trong vòng 30 phút nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Giữa năm 2019, Tập đoàn Tân Long ra mắt thương hiệu gạo A An
Xây dựng thương hiệu gạo A An trở thành thương hiệu gạo Quốc gia
Để xây dựng thương hiệu gạo chất lượng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn có trách nhiệm với ngành lúa gạo trong công cuộc tái cấu trúc để có những hạt gạo Việt Nam đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ngay từ đầu, hình thành các vùng sản xuất lớn được quản lý chuyên nghiệp và có sự cam kết ngay khi ký hợp đồng sản xuất từ khâu giống đến quy trình đầu tư, chăm sóc và thu hoạch, từ đó bà con nông dân yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện chuỗi khép kín từ giống, kỹ thuật canh tác cánh đồng đến chế biến và xúc tiến thương mại, Tân Long theo đuổi gạo an toàn với những tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, mang đến những sản phẩm an toàn và chất lượng cao. Từ đó tạo nên sức mạnh toàn diện để hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu, nâng cao giá trị và đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Để có được thành công như ngày hôm nay, A An luôn tạo ra những điểm nổi bật so với các sản phẩm khác trên thị trường như: Sản xuất từ giống lúa đặc sản, thuần chủng; có nguồn gốc từ vùng nguyên liệu canh tác theo quy trình bền vững; có chất lượng ổn định, không đấu trộn, không hóa chất tẩy trắng, tạomùi; có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; quy trình sản xuất theo tiêuchuẩn HACCP.
Với việc xác định gạo nội địa là mục tiêu chính nên khi xây dựng thương hiệu gạo A An, công ty chỉ sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: ST21, ST24và gạo Japonica tạo ra dòng sản phẩm “lành gạo ngon cơm”.
Trong năm 2021, tiếp tục xác định phát triển thị trường nội địa là chính và dòng sản phẩm mới chủ lực của gạo A An làm từ giống lúa ST24 trồng trong ruộng tôm, có chất lượng tương đương gạo hữu cơ. Bên cạnh việc chinh phục thị trường nội địa, Tập đoàn Tân Long tiến đến xây dựng kế hoạch dài hơi với việc đưa thương hiệu gạo A An trở thành thương hiệu gạo Quốc gia và vươn ra thị trường thế giới.
Gạo A An được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, kiểm soát nghiêm ngặt về điều kiện chất lượng và an toàn thực phẩm
Giá trị bền vững khi nông dân “bắt tay” cùng doanh nghiệp
Ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đã xuất hiện tín hiệu vui khi một số doanh nghiệp dám đi tiên phong trong tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo, trong đó, Tập đoàn Tân Long là một ví dụ trong việc áp dụng mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Để tạo điều kiện cho sự phát triển những mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa các doanh nghiệp và tổ chức nông dân. Cùng với các hợp tác xã, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo lớn, như Tân Long, hướng tới mục tiêu phổ biến mô hình kinh doanh gạo bền vững cùng người nông dân trồng lúa tại Việt Nam.
Việc liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo theo mô hình chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực hiện liên kết sản xuất, Tân Long cam kết đồng hành cùng nông dân không chỉ là giá thu mua tốt hơn thị trường, mà là cả sự gắn kết, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Bởi, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp chỉ liên kết hợp tác với nông dân vào mùa thuận (vụ lúa đông xuân), còn vào mùa vụ khó khăn (vụ lúa hè thu), khi cây lúa phải đối mặt với thời tiết bất lợi, dịch bệnh…thì doanh nghiệp ít hợp tác liên kết!
Vụ mùa bội thu khi nông dân "bắt tay" hợp tác cùng doanh nghiệp
Với hệ thống nhà máy và kho lưu trữ lớn, lại sắp đưa vào hoạt động Nhà máy Gạo Hạnh Phúc với quy mô lớn nhất nhì Châu Á, điều kiện xây dựng bến, bãi để tập kết và dự trữ hàng hóa; luôn chủ động về vốn lưu động và phương án tiếp cận vốn ngân hàng, Tân Long tự tin trong những cam kết cùng người nông dân.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh liên kết sản xuất, bao tiêu lúa, gạo giữa doanh nghiệp và nông dân, thiết nghĩ, ngoài nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, điều quan trọng là người nông dân mạnh dạn chia sẻ, tiếp cận và phối hợp cùng doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị bền vững, lâu dài.
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết : “Việc phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới tập hợp được đông đảo nông dân trên mô hình cánh đồng lớn. Năng lực liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp là khâu then chốt, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp, từ đó phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.”
Có thể nói, cái “bắt tay” giữa người nông dân và doanh nghiệp theo mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo ra lối đi mới cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam khi chất lượng sản phẩm sẽ được ưu tiên hàng đầu và hơn hết bà con nông dân sẽ bội thu trong những vụ mùa.
Nguồn: Tập đoàn Tân Long